Abstract
Đặt vấn đề: Khoảng 80% trẻ sinh non có vàng da tăng bilirubin gián tiếp trong tuần
đầu sau sinh. Sàng lọc sớm vàng da cho trẻ bằng cách xét nghiệm mẫu máu cuống
rốn đang là cách thức tiếp cận khả thi, rẻ và không xâm lấn. Vì vậy, nghiên cứu được
thực hiện với mục tiêu: mô tả một số mối liên quan giữa nồng độ albumin, bilirubin và
tỷ bilirubin/albumin máu cuống rốn với đặc điểm chung và phân loại vàng da ở trẻ sơ
sinh non tháng.
Đối tượng, phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang với cỡ mẫu toàn bộ bao
gồm tất cả trẻ sơ sinh non tháng < 37 tuần được sinh ra tại Bệnh viện Trường Đại học
Y - Dược Huế từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2020. Trẻ được xét nghiệm albumin và
bilirubin máu cuống rốn ngay sau sinh, có vàng da trong thời gian nằm viện. Thu thập
thêm các thông tin tiền sử, bệnh sử của mẹ và con vào phiếu nghiên cứu.
Kết quả: Có 176 trẻ non tháng với tỷ lệ nam/nữ là 1,26/1, tuổi thai trung bình là
34,5 ± 1,4 tuần, cân nặng lúc sinh trung bình là 2190,0 ± 425,5 gram, 83% trẻ có cân
nặng tương đương tuổi thai. Nồng độ albumin máu cuống rốn (CBA) là 3,44 ± 0,35
g/l, nồng độ bilirubin máu cuống rốn là 1,77 (1,50 - 2,01) mg/dl, tỷ bilirubin/albumin là
0,52 (0,42 - 0,60). Có sự khác biệt giữa nồng độ bilirubin máu cuống rốn và tỷ bilirubin/
albumin với tuổi thai, cân nặng lúc sinh và phân loại vàng da của trẻ (p < 0,05).
Kết luận: Ở trẻ sơ sinh non tháng, trẻ vàng da bệnh lý có nồng độ bilirubin và tỷ
bilirubin/albumin máu cuống rốn cao hơn nhóm trẻ vàng da sinh lý.
Từ khóa: Vàng da sơ sinh, non tháng, albumin máu cuống rốn, bilirubin máu cuống
rốn, tỷ bilirubin/albumin